Thành phố tờ mờ trong sương sớm, tiếng chổi tre của những cô lao
công như đánh thức nhịp sống hối hả của Sài Gòn. 28 năm đưa đều
những nhát chổi trên đường, cô Lê Thị Gái nhớ từng góc phố, con
đường quen: Sáng quét đường quét lá, đêm quét dọn, đổ rác, ngày nào
cũng ngần đó công việc, bất kể mưa nắng.
Bộ quần áo lao động lấm bẩn sau một ngày dài như vương đầy nỗi nhọc
nhằn vất vả - ấy vậy mà cô Gái vẫn yêu công việc, tự hào vì những vết
lấm bẩn mà thành phố lúc nào cũng sạch đẹp.
28 năm làm nhân viên môi trường, cái nghề đã theo cô Gái thành cái nghiệp.
Từ má cô, chị gái, em trai, chồng rồi đến những người họ hàng cũng
đều gắn bó với công việc này.
Nỗi cực nhọc của nghề nhân viên môi trường, có lẽ nhiều người đã nói đến:
nắng mưa bão giông vẫn bám lấy những con đường, ngày mưa đường ngập,
ngày lạnh tay chân tê buốt, những hôm làm khuya cũng sợ người say xỉn
tông trúng. Nhưng vất vả mấy, lấm bẩn mấy cô Gái vẫn thấy tự hào, vẫn
thấy lấp lánh những niềm vui trong công việc. Niềm vui giản đơn của
những hôm làm xong sớm ngồi nói chuyện rôm rả với đồng nghiệp,
của những lời hỏi thăm từ người đi đường cũng khiến cô Gái thấy
công việc của mình ý nghĩa hơn.
Một mùa xuân nữa lại gần kề. Ngày Tết đến theo cùng niềm háo hức cho năm mới
nhưng thoáng buồn trong cô khi chỉ một năm nữa cô sẽ đến tuổi nghỉ hưu.
“Tết đến cũng chỉ mong được nghỉ ngơi thôi. Mấy ngày cận Tết đông vui,
nhộn nhịp nhưng rác cũng nhiều hơn ngày thường rất nhiều. Thành ra Tết
năm nào cũng mong có nhiều sức khỏe, mình đi chùa, ghé thăm họ hàng rồi
ra Giêng lại tiếp tục với công việc làm đẹp cho thành phố.”
Mang trên mình những vết lấm bẩn đầy tự hào, cô Gái cùng hàng nghìn những
“anh hùng thầm lặng" khác đang góp phần giữ gìn môi trường thành phố.
Người phụ nữ đã gắn bó gần 3 thập kỷ với công việc chỉ hy vọng rằng
mỗi người dân sẽ có ý thức giữ gìn môi trường hơn, nhớ đúng giờ đổ
rác để công việc của cô và đồng nghiệp vơi bớt nhọc nhằn và thành
phố ngày càng xanh sạch đẹp.
Dưới bóng rừng Đước ngả xuống dòng kênh xanh, anh Nguyễn Đăng Khoa đang cùng những người
cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng chạy ca-nô đi tuần quanh Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Ở tận cùng phía Nam Tổ quốc, công việc của họ đầy vất vả, dãi dầu mưa nắng,
lấm lem bùn đất nhựa cây nhưng anh Khoa vẫn thấy tự hào. Sinh ra trên chính
mảnh đất Cà Mau, anh yêu và gắn bó với những cánh rừng nơi đây suốt cả cuộc đời.
“Cái nghề đầy rẫy nguy hiểm và khó khăn nhưng có anh em làm việc chung,
có gia đình ủng hộ, lại sẵn tình yêu thiên nhiên yêu rừng nên tôi vẫn tiếp
tục với công việc của mình" - 17 năm gắn bó với nghề, tinh thần lạc quan,
tích cực ấy như kim chỉ nam để anh tiếp tục công việc ý nghĩa mình đang làm.
Vì đặc thù công việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, mỗi tháng các anh
sẽ phải dành ra ít nhất 20 ngày trong rừng. Một vai anh Khoa nặng gánh trách
nhiệm với đất nước, một vai anh đảm đương trách nhiệm với gia đình.
Những lúc thiếu vắng bóng chồng, chị Nguyễn Thu Tám vợ anh Khoa một mình
lo toan gánh vác công việc. Quán xuyến nhà cửa, nuôi dạy con cái, đêm hôm
mưa gió bão bùng mái tôn bay phần phật hay khi con ôm cần chở tới bệnh viện - tất cả
những việc đấy chị cùng các con lo được, chỉ mong anh ráng giữ sức khỏe và an tâm công tác.
Mỗi khi nhắc tới anh Khoa, trong ánh mắt cậu con trai 14 tuổi
Nguyễn Duy Khôi lại ánh lên niềm tự hào vì những lấm bẩn ý nghĩa từ
công việc của ba và đồng nghiệp. “Con thường khoe với bạn về công việc
bảo vệ rừng của ba. Sau này con muốn làm nghề giống ba con để bảo vệ rừng.”
Một năm mới gần kề, trong căn nhà nhỏ nơi đất mũi Cà Mau, anh Khoa,
chị Tám và các con có chung niềm mong ước: Mong sao cho năm mới cả
nhà luôn khoẻ mạnh, bình an và có nhiều thời gian bên nhau. Thêm một
năm mạnh khỏe là thêm một năm anh Khoa có thể tiếp tục cống hiến cho
công việc, để những cánh rừng Việt Nam mãi xanh tươi.